Một thói quen chăm sóc răng miệng tốt sẽ giúp bạn phòng ngừa được nhiều căn bệnh trong tương lai. Cùng chúng tôi tìm hiểu xem bạn có đang chăm sóc tốt cho răng miệng của mình không nhé.
Nha khoa cho trẻ em giai đoạn răng sữa
Sau 6 tháng đầu đời, trẻ sẽ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Ở đa số trẻ, trình tự mọc 20 chiếc răng sữa theo lần lượt:
Răng cửa trung tâm: 6–12 tháng.
Răng cửa hai bên: 9–16 tháng.
Răng hàm đầu tiên: 13–19 tháng.
Răng nanh: 16–23 tháng.
Răng hàm thứ hai: 22–33 tháng.
Quá trình mọc răng sữa ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 33 tháng.
Tất cả những quan tâm trong giai đoạn này là cần vệ sinh răng sạch sẽ cho trẻ để tránh sâu răng sữa. Giữ gìn sức khỏe răng sữa cho con không chỉ giúp con trải nghiệm tốt cho các hoạt động tập nói, tập nhai mà còn là tiền đề quan trọng cho việc phát triển răng vĩnh viễn vào giai đoạn thay răng. Lên 2 tuổi, trẻ có thể bắt đầu chải răng với một lượng kem đánh răng bằng hạt gạo và bàn chải lông mềm. Lên 3 tuổi, lượng kem đánh răng sẽ tăng lên bằng hạt đậu 2 lần/ngày. Thời điểm 3 tuổi, nha sĩ khuyến khích ba mẹ nên cho trẻ chuyến thăm khám nha khoa đầu tiên. Chuyến đi này để nha sĩ kiểm tra giúp trẻ vệ sinh răng miệng sạch sẽ và cũng là cách để trẻ làm quen với môi trường nha khoa và tạo thói quen mỗi 6 tháng đến nha sĩ kiểm tra răng miệng.
Nha khoa cho trẻ em giai đoạn thay răng (mọc răng vĩnh viễn)
Lên 6 tuổi, trẻ chuẩn bị thay chiếc răng đầu tiên. Răng sữa lần lượt được thay thế bởi răng vĩnh viễn. Giai đoạn này thực sự rất quan trọng, nụ cười và sức khỏe răng miệng cả cuộc đời về sau của con sẽ phụ thuộc vào hành trình thay răng của con có được chăm sóc đúng cách hay không.
Trình tự thay răng của con khởi đầu từ việc mọc chiếc răng cối (răng số 6) và kết thúc với chiếc răng số 7 khi được 12 tuổi.
Việc theo sát quá trình thay răng và khám răng cho bé định kỳ giúp Ba Mẹ sớm phát hiện những bất thường rất dễ gặp phải trong giai đoạn này như thiếu mầm răng, răng dư kẽ giữa, răng mọc ngầm (Mesiodens) gây cản trở sự mọc răng và ảnh hưởng đến vị trí mọc các răng còn lại.
Đồng thời, 6 – 12 tuổi cũng là thời gian xương hàm phát triển mạnh mẽ. Những lệch lạc và sai hình xương hàm như hô xương, móm xương, hàm nhỏ hẹp răng mọc chen chúc sẽ được can thiệp đúng thời điểm, chăm dưỡng và khắc phục hoàn toàn các sai lệch này.
Các vấn đề nha khoa trẻ em thường gặp ở độ tuổi thay răng
Dưới đây là những vấn đề về răng thường gặp ở trẻ nhỏ mà Cha Mẹ cần lưu ý:
Sâu răng: Khi trẻ xuất hiện sâu răng, vết sâu nên được điều trị sớm kết hợp cùng vệ sinh răng kỹ lưỡng để giữ gìn và bảo tồn răng cho trẻ.
Trình tự thay răng: Quá trình thay răng có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra, các mầm răng vĩnh viễn có đủ hay không, có ở vị trí đúng hay không. Trẻ cần được khảo sát và theo dõi thay răng giúp các răng được mọc đúng vị trí.
Hô, móm, răng chen chúc lệch lạc: Hô xương, móm xương, các răng mọc lên không ngay ngắn gây khó khăn trong ăn nhai, phát âm và ảnh hưởng đến tự tin của trẻ.
Răng sữa rụng lâu rồi mà răng vĩnh viễn mãi không thấy mọc, ba mẹ cần kiểm tra xem con có thiếu mầm răng hay có răng dư mọc ngầm cản trở răng vĩnh viễn mọc xuống hay không.
Răng khôn mọc sớm, nhiều bé xuất hiện mầm răng khôn sớm khi mới 10 – 12 tuổi, ảnh hưởng xấu đến răng hàm.
Nguyên nhân khiến trẻ xuất hiện các vấn đề trên thường do di truyền hoặc do 1 số thói quen xấu trong thời kỳ răng sữa vô tình tạo nên sai lệch như: Mút ngón tay, bú bình, đẩy lưỡi, thở miệng… trong thời gian dài. Những vấn đề này cần điều trị “chữa lành” càng sớm càng tốt và nên bắt đầu trong giai đoạn thay răng khi trẻ 6 – 12 tuổi. Vì vậy, ba mẹ hãy chủ động đưa con đến phòng khám nha khoa trẻ em để thăm khám định kỳ nhé.
Tầm quan trọng của thăm khám răng cho bé định kỳ
Hiệp hội Chỉnh nha Hoa kỳ AAO khuyến cáo trẻ từ 6 – 7 tuổi nên được thăm khám chỉnh nha, bắt đầu tầm soát sự thay răng và phát triển xương hàm, sớm phát hiện những bất thường về xương – răng và có phương án can thiệp đúng thời điểm cho trẻ từ 6 – 12 tuổi, giúp con hành trình thay răng thuận lợi và sự tăng trưởng xương hàm cân đối.
Cha mẹ đừng bỏ lỡ thời điểm vàng khảo sát thay răng cho con yêu để giúp bé có hàm răng thẳng đều, khuôn mặt cân đối.
Tầm soát thay răng nghĩa là trẻ sẽ được kiểm tra kỹ vị trí các răng sữa, mầm răng vĩnh viễn trên cung hàm và tình trạng xương hàm thông qua phim chụp x-quang vùng xương, răng và sọ nghiêng, sọ thẳng. Dựa trên các phim chụp này bác sĩ chỉnh nha có kinh nghiệm sẽ phân tích phim, đo đạc các số liệu, vẽ phim,… để đánh giá tình trạng của trẻ. Một số điều trị can thiệp đúng thời điểm mang lại nhiều lợi ích không chỉ sức khỏe ăn nhai, phát âm mà còn là thẩm mỹ nụ cười, thẩm mỹ gương mặt.
Sun Avenue Dental khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho trẻ đến gặp Bác sĩ chỉnh nha khi trẻ bắt đầu bước vào quá trình thay răng, trong khoảng thời gian từ 6 – 7 tuổi để thực hiện tầm soát chỉnh nha.
Các phương án điều trị nha khoa trẻ em
Theo thống kê, hơn 90% trẻ em Việt Nam đang gặp các vấn đề về răng miệng. Trong đó hơn 85% trẻ từ 6 – 8 tuổi bị sâu răng, 80 – 90% trẻ mắc các bệnh viêm lợi, 75% gặp vấn đề răng lệch lạc, sai khớp cắn. Các điều trị nha khoa trẻ em gồm có:
Trám răng sâu
Hiện nay, trám răng cho trẻ thường dùng vật liệu GIC, có giải phóng Fluor giúp tái khoáng răng sâu. Không chỉ vậy, vật liệu GIC có khả năng bám dính tốt trên mô răng sữa, giúp thao tác trám răng nhanh hơn vì trẻ rất khó hợp tác không như người lớn. Ngoài ra, có thể dùng Sealant trám phòng ngừa sâu răng ở mặt nhai các răng sau.
Tiểu phẫu nhổ răng
Một số tiểu phẫu nha khoa nên thực hiện tại phòng khám răng trẻ em như nhổ răng sữa giai đoạn thay răng, có những răng vĩnh viễn mọc trong khi răng sữa chưa rụng cần nhổ răng sữa để có khoảng cho răng vĩnh viễn mọc thuận lợi.
Trường hợp phát hiện trẻ có răng dư mọc ngầm ở phía trong xương hay còn gọi là răng Mesioden, gây cản trở đường mọc của răng vĩnh viễn, khiến răng sữa rụng đã lâu mà răng vĩnh viễn chưa mọc, trẻ cần thực hiện tiểu phẫu nhổ răng ngầm để mở đường cho răng vĩnh viễn được mọc bình thường.
Như vậy, quan trọng nhất là phát hiện và xử lý kịp thời để hành trình thay răng của trẻ diễn ra bình thường, ổn định.
Một số trẻ khi mới 10 – 12 tuổi đã xuất hiện mầm răng khôn (răng số 8), trong khi răng số 7 (răng hàm) chưa mọc lên gây kẹt răng số 7 sẽ cần đánh giá của bác sĩ chỉnh nha có kinh nghiệm và chuyên môn để xử lý.
Chỉnh nha
Các sai lệch liên quan đến xương hàm, khớp cắn như: hô, móm, cắn hở, cắn sâu, răng chen chúc lệch lạc bác sĩ sẽ thực hiện chỉnh nha, niềng răng, đưa về khớp cắn đúng.